Nhà máy Chè Ngọc Lập: Sản xuất sạch hơn để tiết kiệm và bảo vệ môi trường
Tuy vậy, các yếu tố như bụi, khói than, nhiệt độ, độ ẩm cao... tác động rất lớn đến môi trường xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động là những vấn đề còn hạn chế của Nhà máy.
Chủ động khắc phục những hạn chế, tồn tại, cùng với sự giúp đỡ của hợp phần CPI, từ tháng 5/2007, Nhà máy đã bắt đầu triển khai các chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH). Đây là điển hình của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở miền núi sớm tham gia chương trình SXSH. Các chuyên gia và đội SXSH đã đánh giá thực chất các nguyên nhân và tìm ra 34 giải pháp hợp lý để đầu tư, giải quyết vấn đề này.
Từ thực tiễn ở Nhà máy, hệ thống máy móc, trang thiết bị cũ do Liên Xô sản xuất từ cách đây hơn 30 năm, hiệu suất làm việc thấp (chỉ đạt 63% so với thiết kế), rò rỉ dầu bôi trơn, dẫn đến làm bẩn chè trong quá trình sản xuất. Các động cơ chạy không đủ tải, động cơ cuốn lại, chất lượng không cao, gây tổn thất điện năng lớn. Nhà máy chưa có kho chứa than hợp lý nên nhiên liệu tổn hao do thời tiết mất khoảng 6% nhiệt trị, chất lượng than kém, một phần còn do kỹ năng đốt lò, tính bảo ôn tại các kênh dẫn gió nóng, vỏ sấy lò kém... Tỷ lệ than hao hụt hàng năm mất gần 200 tấn, tương đương trên 180 triệu đồng. Trong quá trình sản xuất, lượng bụi chè và chè rơi vãi bay ra môi trường khoảng 70 tấn/năm. Vì những nguyên nhân trên, mỗi năm, Nhà máy đã mất khoảng 1 tỷ đồng, mà chất lượng sản phẩm kém, sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường trong khu vực và các khu dân cư, trường học xung quanh...
Từ những nguyên nhân trên, Nhà máy đã tập trung vào các giải pháp tránh rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất, hay còn gọi là kiểm soát nội vi; đảm bảo các điều kiện sản xuất tối ưu tác động tới chất lượng sản phẩm, sản lượng, nguyên liệu tiêu thụ và lượng chất thải tạo ra; tránh sử dụng các nguyên vật liệu độc hại bằng cách dùng các nguyên liệu thay lại sản phẩm để có thể giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ.
Với số vốn đầu tư 2,4 tỷ đồng, trong đó CPI hỗ trợ 50%, Nhà máy Chè Ngọc Lập đã nâng cấp hệ thống hút và lọc thực phẩm chuyên dùng để thu bụi chè; hệ thống cấp khí tươi (khí trời sạch) cho khu vực sấy; hệ thống cung cấp nhiệt; nhà xưởng, nhà kho. Sau một thời gian lắp đặt các thiết bị máy móc từ hệ thống lọc bụi cho thấy, bụi chè được tự động giữ lại và đưa vào các túi nén chuyên dụng, được đóng gói riêng biệt trở thành một loại thành phẩm mới. Hệ thống cung cấp khí trời sạch được đẩy vào khu vực làm việc, làm giảm hiệu ứng nhà kính. Bụi chè thu hồi được khoảng 35 tấn/năm, tương đương 105 triệu đồng, giảm đến mức tối đa bụi chè tới môi trường xung quanh, tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Các chi tiết kỹ thuật có tác động lớn đến sản phẩm, tiêu thụ điện năng đều được thay thế mới, gọn nhẹ, độ bền cao, hiệu suất công tác được nâng lên đến 96%. Nhóm giải pháp này đã giúp Nhà máy tiết kiệm điện năng tới hơn 6.500 KWh/năm, tương đương trên 55 triệu đồng. Nhà máy tiến hành xây nhà kho chứa than hợp lý, thay đổi công nghệ đốt lò kiểu mới, làm giảm lượng than tiêu thụ đến 200 tấn/năm, đồng thời giảm khoảng 550 tấn khí CO2 phát tán ra không khí.
Qua hai năm thực hiện chương trình SXSH, với sự đầu tư đúng hướng của Công ty Cổ phần xây lắp Điện nước Long Giang, hợp phần CPI, Nhà máy Chè Ngọc Lập đã giảm đáng kể lượng nguyên liệu, nhiên liệu tiêu hao, giảm thiểu mức ô nhiễm môi trường. Lượng chè tươi tiêu thụ giảm từ 4,37 kg xuống còn 4,33 kg để được 1 kg chè thành phẩm, tăng tỷ lệ chè cao cấp từ 42% lên 47%, nâng cao lợi nhuận thêm 300 triệu đồng/năm. Chi phí từ điện, than cũng giảm đáng kể. Đời sống của người lao động được nâng cao, thu nhập tăng từ 1,6 triệu đồng/người/tháng (năm 2007) lên 1,8 triệu đồng/người/tháng (năm 2008). Tỷ lệ công nhân mắc các bệnh nghề nghiệp do hít phải bụi than, bụi chè,... giảm đáng kể.
Sắp tới, Công ty Cổ phần Xây lắp điện nước Long Giang sẽ tiếp tục xây dựng một hệ thống quản lý môi trường phù hợp với mô hình sản xuất và đặc điểm công nhân vùng cao của Nhà máy; hoàn thiện các quy chế, hướng dẫn về quy trình công nghệ để tối ưu hoá quá trình sản xuất, tăng hiệu suất quá trình; tiếp tục thực hiện các giải pháp đầu tư lớn và các giải pháp môi trường. Hy vọng, hợp phần CPI sẽ tiếp tục giúp đỡ Nhà máy thực hiện các giải pháp tiếp theo trong chương trình SXSH để sản phẩm chè đen Ngọc Lập ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.